Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Nước và chuyện cát – hung trong nhà

Khái niệm phong thủy hay được hiểu nôm na theo kiểu “cặp đôi hoàn hảo” gió và nước, biểu hiện qua việc sử dụng, lưu thông, hài hòa các thành phần cấu thành không gian sống. Yếu tố nước sao cho đủ cho vừa, đem đến cát tường hay hung hại là những câu hỏi phổ biến của các gia chủ; cần có góc nhìn tương quan nhiều mặt để đem lại giải pháp cụ thể, thiết thực hơn khi làm nhà hay trang trí nội thất.

nuoc-CatHung-008

Đa số gia chủ đều biết trong bài trí nhà ở nên tăng cát, giảm hung, thế nhưng không gian tiểu cảnh đẹp nào được xem là cát (tốt), không gian nào gọi là hung (xấu) thì lại chưa phân định rạch ròi được. Nếu có cơ sở đánh giá bản chất trường khí và thực tiễn sử dụng thì sẽ dễ dàng thuận tiện hơn cho việc phân khu cát – hung trong nhà ở.

Cát – hung từ tổng thể đến chi tiết

Chẳng ai muốn trong nhà mình có những chỗ xấu. Hung đơn giản là những nơi phát sinh độc hại (như bếp nấu, hầm phân tự hoại, chuồng nuôi gia súc), ẩm thấp vì có nước nhiều (phòng vệ sinh, giặt phơi) hoặc không sử dụng thường xuyên (kho, gầm cầu thang, gian áp mái). Cát là những không gian sinh hoạt chủ yếu như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc, sinh hoạt chung… Tuy nhiên vẫn còn những không gian theo kiểu 50/50 vừa cát vừa hung, muốn phân định phải căn cứ vào quan hệ với không gian khác theo quy luật âm dương tương đối, đó là chỗ đi lại, nhà xe, giếng trời, hàng hiên, ban công… dù không phải nơi sinh hoạt thường xuyên nhưng đóng vai trò phụ trợ, kết nối, chuyển tiếp trong – ngoài, trước – sau giữa các chỗ cát – hung.
 nuoc-CatHung-001


nuoc-CatHung-007

Trong từng không gian riêng biệt, sự phân chia cát – hung cũng dựa theo đặc tính sử dụng và mối quan hệ trong ngoài, âm dương, ngũ hành. Cát – hung nảy sinh chính là ở cách bố trí nội thất và cấu trúc của một phòng cụ thể. Ví dụ phòng ngủ, chỗ đặt giường ngủ, đặt tủ đầu giường là vùng cát, còn chỗ để bàn phấn (gương soi phản chiếu hung khí), sau cánh cửa khu vệ sinh, chỗ tủ quần áo (một dạng kho) là vùng hung. Trong bếp, chỗ đặt bếp nấu là hung nhưng vùng trước mặt bếp (mang thức ăn ra vào) là cát, bồn rửa chén là hung còn bàn soạn thức ăn là cát, quầy bar thuộc cát trong khi sàn nước thuộc hung… Tủ lạnh là một dạng kho chứa đồ ăn nên phần tọa phía sau của tủ là hung (thường có hệ thống điện, tỏa nhiệt nhiều) trong khi mặt trước tủ là cát. Trong phòng khách, những khu vực cát là ghế salon, bàn tiếp khách, mặt trước tủ trang trí hoặc bình phong, còn hung là những không gian đi lại, chỗ để giày dép, mặt sau kệ tủ… Cát – hung còn được phân định theo bề mặt sử dụng, trong đó bề mặt sàn có thể đi tới được là cát, những ngóc ngách khó làm vệ sinh thường xuyên là hung, hay mặt trên tủ ngang tầm hay sử dụng là cát, nhưng phần gầm tủ là hung.
 nuoc-CatHung-002

Phân định rạch ròi như vậy không phải để… nhìn đâu cũng thấy có cát có hung, mà hướng tới cách sử dụng không gian, lựa chọn và bài trí đồ đạc theo hướng tăng cát giảm hung, ví dụ như hệ thống tủ kệ đơn giản, ít ngóc ngách, dễ làm vệ sinh… sẽ hữu dụng và giảm hung hiệu quả. Hoặc phòng tắm nhiều ánh sáng, thoáng gió nhưng không bị gió lùa sẽ tăng cát hơn là dạng phòng tắm ngóc ngách, ẩm thấp, bừa bộn đồ đạc.

Cát – hung có phải do nước?

Trở lại chuyện nước và cát – hung trong nhà, cách giải thích đơn giản “phong là gió – thủy là nước” dễ đem đến ngộ nhận rằng hễ đặt hồ nước non bộ vào nhà ắt sẽ… tiền vô như nước! Ở thái cực khác, nhiều gia chủ lại ngại đem nước vào nhà, một phần cũng vì những phiền toái khi phải chống thấm, xử lý cấp thoát nước, phần khác là qua những đồn đại Thủy khắc Hỏa kiểu như nước sẽ dập tắt lửa ấm áp trong nhà, làm bếp nguội suy bại gia đạo (?), hoặc theo kiểu “tôi mạng Hỏa nên kỵ làm hồ nước!”.
 nuoc-CatHung-003

Thực ra, các kiêng kỵ trong phong thủy không hề bất biến cứng nhắc mà có thể linh hoạt điều chỉnh tùy theo thực tế từng nhà, từng người. Việt Nam là xứ khí hậu nóng ẩm, cộng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt nên làm nhà giảm nóng là chuyện thường trực, trong đó mặt nước nói chung và cách xử lý nước trong từng nhà nói riêng chính là một trong những giải pháp phù hợp, giúp ngôi nhà nhiệt đới giảm nhiệt. Chỉ cần khéo thu vén một chút, mỗi ngôi nhà vẫn có thể tạo nên những bố trí mặt nước một cách hợp lý và hợp phong thủy, cụ thể:

nuoc-CatHung-004
  • Các phương vị đông và đông nam (thuộc Mộc) có thể trồng cây cối để tạo bóng râm đồng thời dùng nước (Thủy dưỡng Mộc) để giúp môi trường mát mẻ hơn. Tại hướng nam (thuộc Hỏa) là vùng mặt trời lên cao, chiếu bức xạ nóng vào nhà thì mặt nước nên bố trí tại đây để giảm Hỏa.
  • Ở các phương vị tây và tây bắc vốn nắng gắt (thuộc Kim) nên mặt nước cần có độ thoáng rộng để có thể bốc hơi nhiều hơn, đồng thời kết hợp lam che nắng theo chiều đứng, ngăn bức xạ gay gắt. Đây cũng là các hướng nên mở giếng trời hay sân bên hông, sân sau nhà… kết hợp với bố trí theo dạng “mương nước” nhỏ để tạo nên một khoảng thư giãn thú vị, gián tiếp làm mát nội thất. Các bố trí đá tảng, đá ghép, lối đi lại (Thổ sinh Kim) góp phần làm phong phú hình thức hồ nước hơn là kiểu hồ chỉ thuần túy để ngắm như hòn non bộ thuở trước.

Đưa nước vào nhà đòi hỏi tinh tế

Yếu tố nước trong bài trí nội thất mang ý nghĩa về sự tuôn chảy, sống động, trong lành và sự nuôi dưỡng. Những mảng trang trí nước tác động vào giác quan của con người (tai nghe tiếng róc rách, mắt nhìn thấy dòng chảy…) thiên về yếu tố hỗ trợ tinh thần. Hồ tràn, hòn non bộ, hồ phun trước nhà chính là sơn thủy hội tụ, đóng vai trò một tấm bình phong nhân tạo mà không gây tác động xấu, miễn là biết bài trí hợp lý và lường trước được các bất tiện do nước gây ra, ví dụ nội thất có dòng suối hay thác nước có thể sẽ khiến độ ẩm trong nhà tăng lên. Hoặc bố trí hồ nước không đúng vị trí, như đặt hồ cá cảnh, hòn non bộ dưới gầm thang, nơi tối tăm ẩm thấp khiến vùng này âm quá thịnh, vừa khó nhìn ngắm tận hưởng lại vừa khó vệ sinh bảo dưỡng, để nước tù đọng và ô nhiễm.

nuoc-CatHung-005

Một mặt nước nhỏ kết hợp với chút cây xanh và chiếu sáng hợp lý sẽ giúp kích hoạt nguồn năng lượng sống trong nhà. Nước được cư dân Việt bao đời nay xem như biểu tượng cho tài lộc nên có nhiều giải pháp kết hợp đá với nước khá hấp dẫn trong nội thất, chẳng hạn dùng cối đá chứa nước, thác nước ghép bằng đá dẹt, suối nhỏ đắp bằng đá cuội… Các trụ đá đứng trên mặt nước thể hiện ý chí và vững bền nên thường được dùng như điểm nhấn, hoặc dùng trụ đá bazan khoan lỗ đặt vòi nước phun trào mang hàm ý sự vươn lên, nguồn lợi dồi dào không dứt.
Các loại cối đá, máng nước phong thủy hiện nay được chế tác khá nhiều mẫu mã phong phú và kích cỡ đa dạng, đáp ứng việc trang trí và tạo tiếng nước chảy róc rách cho nhiều không gian khác nhau như phòng khách, phòng giải trí, phòng ăn… Cách bố trí cối đá có máng dẫn nước theo kiểu vườn Nhật không những góp phần tăng sự mát mẻ nhờ độ ẩm của nước, mà còn đem lại cho con người những giây phút thoải mái bởi tiếng nước róc rách và các bố trí chiếu sáng, trang trí tiểu cảnh nghệ thuật hấp dẫn. Cho dù gia chủ tuổi gì thì cũng không ngại Thủy khắc Hỏa, bởi phần trung cung của nhà vốn thuộc Thổ, khắc Thủy nên dễ dàng kiểm soát dòng nước, chỉ cần tránh đặt hồ nước, hầm chứa nước ở phía trước và bên dưới vị trí bếp nấu mà thôi.
 nuoc-CatHung-006

Nếu nhà có chút ít sân vườn hoặc khoảng trống trên sân thượng thì một mặt nước nhỏ thả sen súng, có chỗ ngồi ngắm cảnh kiểu nhà nhiệt đới (tropical house) sẽ là nơi lý tưởng cho việc giải trí thư giãn, tận hưởng cuộc sống mà không cần phải đi đâu xa. Nên lưu ý đến yếu tố thô mộc và giảm thiểu đường nét rườm rà để không làm rối mắt và tạo nên một không gian sạch sẽ, tinh khiết – với đá và nước là yếu tố chủ đạo – chính là đã đem được thiên nhiên đến gần hơn với nơi cư ngụ của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét